Nghệ thuật đọc nhanh - Giúp bạn chinh phục nhiều tri thức hơn
- thuba28
- 23 thg 10, 2024
- 7 phút đọc
Đọc sách với tốc độ 3750 từ/phút mà vẫn hiểu sâu, bạn có tin được không?
Trên thực tế, đây là kết quả từ một khảo sát tại một lớp học ở bậc trung học tại Mỹ sau khi các học sinh luyện tập phương pháp đọc nhanh. Không thể phủ nhận sức mạnh của việc đọc sách, bởi kiến thức từ sách mang lại cho con người là vô hạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đọc sách sao cho nhanh và mà vẫn hiệu quả. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số bí quyết giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc sách của bản thân.

1. Chuẩn bị tâm lý
Đọc sách là một hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ, do đó, việc chuẩn bị tâm lý trước khi đọc là yếu tố quan trọng giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất. Khi bạn không mệt mỏi và tinh thần thoải mái, bộ não của bạn sẽ hoạt động linh hoạt hơn, dễ dàng tiếp nhận và xử lý thông tin nhanh chóng. Ngược lại, khi bạn cố gắng đọc trong trạng thái mệt mỏi, não bộ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và nắm bắt thông tin. Điều này không chỉ khiến bạn đọc chậm hơn mà còn làm giảm khả năng hiểu sâu. Thậm chí, bạn có thể phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu hết được ý nghĩa của đoạn văn, làm tiêu tốn thời gian và năng lượng.
Ngoài ra, khi tinh thần không sảng khoái, bạn sẽ dễ bị xao nhãng bởi các yếu tố xung quanh như tiếng ồn, điện thoại, hoặc thậm chí là những suy nghĩ trong đầu. Điều này càng làm cho việc đọc trở nên khó khăn và thiếu hiệu quả.
Làm thế nào để chuẩn bị tinh thần tốt nhất trước khi đọc?
Chọn thời gian đọc hợp lý: Hãy chọn những thời điểm trong ngày khi bạn cảm thấy tỉnh táo nhất. Buổi sáng sau khi ngủ đủ giấc hoặc buổi chiều sau khi đã nghỉ ngơi là những thời điểm lý tưởng để đọc sách.
Tạo không gian yên tĩnh: Một môi trường đọc thoải mái, không bị quấy rầy bởi tiếng ồn hay các thiết bị điện tử sẽ giúp bạn tập trung hơn. Hãy tìm một góc yên tĩnh, có ánh sáng đủ tốt và thoải mái để ngồi.
Tâm lý thoải mái: Trước khi bắt đầu đọc, hãy để tâm trí thư giãn. Bạn có thể thực hiện một vài động tác hít thở sâu, hoặc dành ra vài phút thiền để giảm căng thẳng. Khi đầu óc bạn không bị căng thẳng, việc tiếp thu thông tin sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi đọc sách
2. Dùng ngón tay làm "người dẫn đường"
Khi bắt đầu đọc sách, thay vì để mắt tự di chuyển như thường lệ, bạn hãy đặt ngón tay của mình ngay dưới dòng chữ và từ từ di chuyển tay dọc xuống trang sách khi bạn đọc. Bạn cũng có thể sử dụng một chiếc bút để làm công cụ "dẫn đường". Thực hiện kỹ thuật này sẽ:
Giúp mắt bạn không bị "đi lạc": Ngón tay của bạn sẽ đóng vai trò như "điểm neo" giúp mắt luôn biết mình đang ở đâu trên trang giấy. Như vậy, não bộ của bạn có thể tập trung hoàn toàn vào việc hiểu nội dung. Hơn nữa, việc dùng ngón tay sẽ hạn chế tình trạng mắt lạc vào dòng khác hoặc phải quay lại để tìm đúng chỗ đang đọc.

Duy trì tốc độ đọc ổn định: Việc di chuyển ngón tay một cách đều đặn theo dòng chữ sẽ giúp bạn duy trì một tốc độ đọc nhất định, không bị quá nhanh đến mức bỏ lỡ thông tin quan trọng, cũng như không quá chậm khiến bạn dễ bị mất tập trung hoặc mệt mỏi. Kỹ thuật này cho phép bạn kiểm soát nhịp độ đọc của mình, giúp não bộ có thời gian tiếp thu và xử lý thông tin hiệu quả hơn.
Mẹo thực hành: Khi đọc các tài liệu hoặc cuốn sách với nội dung đơn giản, dễ hiểu, hãy di chuyển ngón tay nhanh hơn một chút để thúc đẩy mắt làm quen với tốc độ cao hơn.
3. Mở rộng tầm nhìn
Thay vì đọc từng chữ, hãy thử mở rộng tầm nhìn của bạn bằng cách tập trung vào một đoạn văn lớn hơn, và cố gắng nhận ra các từ mà không cần di chuyển mắt quá nhiều. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm bắt được nội dung chính mà không cần phải dừng lại để đọc từng từ riêng lẻ, giảm số lần di chuyển của mắt qua từng từ.
Ví dụ:
Thông thường, khi đọc, bạn có thể chỉ nhìn thấy từng từ một, chẳng hạn như:
"Mùa hè đang đến và thời tiết bắt đầu ấm hơn."
Nếu áp dụng kỹ thuật mở rộng tầm nhìn, bạn sẽ cố gắng nhìn một lần vào cả cụm từ, chẳng hạn như "Mùa hè đang đến" và "thời tiết bắt đầu ấm hơn". Điều này giúp giảm số lần di chuyển của mắt và tăng tốc độ tiếp nhận thông tin.
Mẹo thực hành:
Bắt đầu với các đoạn văn ngắn: Khi mới áp dụng kỹ thuật này, bạn có thể bắt đầu với những đoạn văn ngắn, giúp mắt bạn làm quen, dần thích nghi với việc tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng. Hãy cố gắng nhìn vào các cụm từ lớn hơn để mắt nhận diện nhiều từ hơn mỗi lần nhìn và nắm bắt ý chính. Khi đã thành thạo, bạn hãy dần dần áp dụng kỹ thuật này cho các đoạn dài hơn.
Đọc bảng chữ cái: Bạn cũng có thể luyện tập bằng cách sử dụng hoặc viết ra một bảng chữ cái gồm 4-5 dòng. Sau đó, hãy tập trung nhìn vào giữa bảng và cố gắng nhận diện càng nhiều chữ cái xung quanh càng tốt mà không cần di chuyển mắt.
4. Đọc lướt qua các từ không quan trọng
Một trong những cách hiệu quả để tăng tốc độ đọc là học cách bỏ qua những từ ngữ không cần thiết và chỉ tập trung vào ý chính. Những từ ngữ như "là", "của", "và", "thì"... thường không cung cấp những thông tin quan trọng, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc bạn hiểu nội dung. Do đó, bỏ qua chúng sẽ giúp bạn nhanh chóng hiểu nội dung mà không mất thời gian vào các chi tiết nhỏ, tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin.
Ví dụ:
Hãy xem xét câu sau:
"Con mèo nhỏ đang ngủ trên chiếc ghế sofa màu xanh."
Khi đọc, bạn có thể bỏ qua các từ không quan trọng như "đang", "chiếc", "màu" để tập trung vào các từ chính: "Con mèo nhỏ ngủ ghế sofa xanh". Việc này cho phép bạn vẫn nắm được ý nghĩa chính của câu mà không làm mất đi thông tin cần thiết.

Mẹo thực hành:
Khi đọc, hãy cố gắng "quét" nhanh qua các đoạn văn và tìm kiếm các từ khóa chính mang ý nghĩa. Những từ này sẽ giúp bạn hình dung nội dung chính một cách rõ ràng hơn.
Ví dụ, khi đọc tin tức, hãy chú ý đến các từ khóa như tên người, sự kiện và số liệu, thay vì tập trung vào các từ kết nối không quan trọng.
5. Không đọc thầm
Đọc thầm là một thói quen phổ biến, nơi chúng ta "nói" từng từ trong đầu khi đọc. Tuy nhiên, việc lẩm nhẩm trong đầu từng từ khi đọc khiến cho mắt bạn phải di chuyển chậm lại, điều này không chỉ làm giảm tốc độ mà còn hạn chế khả năng tiếp nhận thông tin của bạn. Não bộ có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn nhiều so với giọng nói của bạn, và bỏ qua việc đọc thầm sẽ giúp bạn tận dụng khả năng này.
Ví dụ:
Khi bạn đọc câu:
"Hôm nay trời thật đẹp và tôi quyết định đi dạo trong công viên."
Thông thường, bạn có thể lặp lại từng chữ trong đầu, nhưng điều này lại làm cho quá trình đọc trở nên chậm chạp. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn vào câu như một bức tranh tổng thể, nắm bắt ý nghĩa mà không cần "nói" từng từ. Hãy hình dung khung cảnh công viên với bầu trời xanh tươi đẹp, thay vì lẩm nhẩm từng từ trong đầu.
Mẹo thực hành:
Đọc bằng nhạc nền: Khi đọc, bạn có thể mở nhạc không lời với âm lượng nhỏ. Âm nhạc giúp não bạn không có thể lẩm nhẩm và buộc phải tập trung vào thông tin trong văn bản.
Đọc nhanh hơn tốc độ lẩm nhẩm: Cố gắng di chuyển mắt nhanh hơn tốc độ mà bạn có thể lẩm nhẩm. Điều này sẽ ép bản thân bạn phải đọc mà không có đủ thời gian để lặp lại từng chữ, từ đó cải thiện tốc độ và khả năng tiếp nhận thông tin.
Lời kết
Trên thực tế, những phương pháp đọc mà mình đã nêu ở trên đã từng được nhiều người thử nghiệm và áp dụng. Charmane McDaniels, một học giả uyên bác về các quan điểm chính trị của thượng nghị sĩ Goldwater, là một trong những người đã thành công với phương pháp đọc nhanh này. Khi mới bắt đầu, Charmane đã gặp nhiều khó khăn với các cuốn sách có nội dung phức tạp và khô khan. Sau khi luyện tập phương pháp đọc hiệu quả, cô đã có thể đạt đến tốc độ đọc 1000 đến 2000 chữ mỗi phút.
Đọc nhanh không phải là một khả năng bẩm sinh, mà là một kỹ năng có thể rèn luyện mỗi ngày. Vừa rồi là những chia sẻ của mình về những bí quyết giúp bạn nâng cao khả năng đọc của bản thân. Mong rằng bài viết này sẽ mang lại cho bạn những góc nhìn mới mẻ và hữu ích về cách tiếp cận việc đọc sách.
Comments